Nguyên nhân nào dẫn đến kẹt xe ở TP.HCM những ngày qua?
Cập Nhật:2025-01-21 16:15 Lượt Xem:142Ông Nguyễn Thành Lợi - phó trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM - nói về tình trạng kẹt xe dịp cuối năm - Ảnh: CHÂU TUẤN
Ông Nguyễn Thành Lợi - phó trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM - cho biết những ngày qua, sau khi áp dụng nghị định 168, tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, ý thức đi đường của người dân được nâng cao. Tuy nhiên tình trạng kẹt xe - ùn ứ có phát sinh.
Cụ thể hơn, tình trạng vi phạm giao thông như chạy xe lên vỉa hè, vượt đèn đỏ, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông giảm nhiều. Số vụ tai nạn giao thông giảm sâu.
Xe cộ rồng rắn chờ đèn đỏ ở cầu Bình Lợi đến ngã tư Nguyễn Xí - Phạm Văn ĐồngBên cạnh đó, tình trạng kẹt xe có xảy ra thường xuyên trên các tuyến đường trọng điểm và hầu hết các khung giờ trong ngày.
"Khi nâng mức chế tài vi phạm giao thông từ nghị định 168, người dân không đi lên vỉa hè nên lòng đường đông đúc hơn, trong khi chiều rộng mặt đường vẫn vậy gây áp lực giao thông. Xe tập trung dưới lòng đường chờ đèn đỏ, khi đường không phình ngang thì phải kéo dài dòng ùn tắc", ông Lợi nói.
Ông Lợi cho biết thêm để phân tích, đánh giá tình hình giao thông và xác định đúng nguyên nhân, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương khảo sát, đánh giá, xác định nguyên nhân.
Những nguyên nhân được đưa ra là vào thời điểm cuối năm, nhu cầu đi lại và chở hàng hóa tăng cao. Bên cạnh đó, việc chấp hành luật giao thông của người dân nghiêm túc hơn, người dân không đi trên vỉa hè nên dòng phương tiện dưới lòng đường sẽ kéo dài hơn.
Hạ tầng giao thông tại TP.HCM đang quá tải so với 10 triệu xe cá nhân hiện nay. Trong đó có 1 triệu ô tô, còn lại là xe máy. Đồng thời có số lượng lớn xe từ các địa phương khác đến và ngang qua TP.HCM.
Bên cạnh đó, một số kỹ thuật điều tiết giao thông một số điểm, một số thời điểm bị lỗi kỹ thuật. Đây là những nguyên nhân khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
Ông Đỗ Ngọc Hải - trưởng phòng quản lý bảo trì và khai thác công trình (thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM) - Ảnh: THẢO LÊ
Từ những nguyên nhân này, UBND TP.HCM đã chỉ đạo đơn vị khi cần thiết phải áp dụng ngay các biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân chấp hành tốt quy định khi đi đường nhưng vẫn thuận lợi.
Liên quan vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Hải - trưởng phòng quản lý bảo trì và khai thác công trình (thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM) - cho biết ở khu vực trung tâm thành phố, lượng xe đi lại tính từ đầu năm 2025 đến nay đã tăng hơn 11%.
Con số này đã cho thấy nhu cầu đi lại của người dân dịp cận Tết rất cao. Đồng thời thời gian qua thành phố có tổ chức nhiều lễ hội, nên xe cộ được điều tiết dồn vào một số tuyến đường.
Có một số ý kiến cho rằng nguyên nhân gây ùn ứ giao thông hiện nay phần lớn do người dân tuân thủ nghị định 168 là chưa đúng. Thực tế nghị định này đã giúp thành phố đạt tích cực về nhiều mặt, tình hình trật tự tốt hơn, người dân ít vi phạm hơn…
Để giảm ùn ứ giao thông trong dịp này, Sở Giao thông vận tải đã và đang phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông rà soát từng nút giao để gắn đèn tín hiệu rẽ phải cho xe hai bánh. Tại các vị trí này, các pha đèn phải được rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo hiệu quả cho nhiều nút giao liền kề.
Không xử lý vi phạm theo kiểu "máy móc"Theo ông Nguyễn Thành Lợi, TP.HCM đã rà soát có 534 giao lộ cần lắp đặt đèn tín hiệu giao thông và đèn rẽ phải. Ngành giao thông đã đề xuất lắp hơn 1.900 đèn (mỗi giao lộ khoảng 3 đèn). Đợt 1 gắn 500 đèn. Đến nay đã lắp được 80 đèn tại 38 nút giao và sẽ tiếp tục lắp đặt trong thời gian tới.
TP.HCM sẽ huy động thêm lực lượng thanh niên xung phong, đoàn viên thanh niên phối hợp điều tiết giao thông. Các địa phương cũng rà soát các tuyến hẻm có thể hỗ trợ giải tỏa cho các tuyến đường chính.
Khi tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm giao thông, đơn vị chức năng sẽ xác minh, phân loại đây có phải trường hợp thực sự vi phạm hay không, hay chỉ là trường hợp nhắc nhở trách nhiệm, không xử lý "máy móc".